Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

ĐỀ NGHỊ TRỢ GIÚP BỘ TRƯỞNG BỘ GD&ĐT GIẢI TOÁN


Sơn-Thi-Thư blog:  Sau kỳ thi đại học năm 2011, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát ngôn trên báo chí rằng : " Ngàn điểm 0 môn Sử là bình thường" và năm 2012, tình trạng cũng không mấy khá hơn. Không biết có phải vì cái môn học "bình thường" đó không mà nó không được chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Cũng năm 2011, vị "tư lệnh ngành" GD&ĐT trả lời chất vấn trước Quốc hội cũng bị đánh giá là chưa đạt yêu cầu với điểm 4 . Năm nay, sau phiên trả lời chất vấn vừa rồi, Bộ trưởng lại phải "gấp rút" giải 6 bài toán như đã hứa với Quốc hội, kể ra cũng hơi "căng". Vì vậy, đề nghị mọi người cùng trợ giúp Bộ trưởng để chí ít thì bài thi của Bộ trưởng cũng phải đạt điểm trung bình trở lên.  Vâng, để mọi người có cách trợ giúp thiết thực và hiệu quả, Sơn-Thi-Thư blog xin copy và đăng lại  đề 6 bài toán "không dễ" này từ Vietnam.net ( trong từng bài toán có thêm cảm nhận riêng của Sơn-Thi-Thư- phần chữ đỏ nghiêng trong ngoặc).



Sáu bài toán cho 'tư lệnh' ngành giáo dục

 - Văn phòng Quốc hội vừa có thông báo số 597 truyền đạt kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 16. Trong đó yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thời gian tới gấp rút giải 6 "bài toán" đã hứa.
CÁC TIN LIÊN QUAN
giáo dục, bài toán, đổi mới, đề án, sư phạm
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
6 "bài toán" được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúc kết đặt lên bàn "tư lệnh" ngành như sau:
Một là, Bộ GD-ĐT khẩn trương hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm áp dụng vào thực tiễn, tạo chuyển biến tích cực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở nước ta.( Bài toán này chắc khó hơn bài toán 14 tháng làm thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 60 của Thủ tướng Chính phủ mà báo Giáo dục Việt Nam đã đưa ra công thức thời gian của Bộ GD&ĐT:  "ngay sau khi" + "khẩn trương" = 14 tháng! . Vậy chỉ có "khẩn trương" thôi, mà không có "ngay sau khi" thì là bao nhiêu tháng ? Đúng là bài toán "khó khả thi" !) 
Hai là, tập trung quản lý chất lượng sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ học sinh các cấp học phổ thông, bảo đảm chất lượng, sự chuẩn mực về ngôn ngữ và lịch sử.( Sách tham khảo từ Mầm non, Tiểu học toàn cờ Tàu, văn hóa Tàu...quản lý thế nào đây - bài toán này cũng không dễ !)
Ba là, tổng kết công tác đào tạo sư phạm và mạng lưới đào tạo ngành sư phạm trong cả nước, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, kịp thời chấn chỉnh, hạn chế tình trạng thừa giáo viên khá phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay.( Bài toán nhân sự cũng thuộc loại toán sao (*) chứ chẳng chơi vì nó động chạm đến nhiều đối tượng và rất...nhạy cảm - Hỏi 80 giáo viên Mầm non huyện Yên Bình - Yên Bái mới bị đuổi ra khỏi biên chế thì biết bài toán này dễ hay khó ngay thôi mà !).
Bốn là, tiếp tục thực hiện cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích bằng các giải pháp đổi mới công tác đề thi, công tác thi đua khen thưởng, việc đánh giá kết quả học tập. Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Giám đốc Sở GD-ĐT và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vấn đề này.(Vâng, kỳ thi tốt nghiệp năm  học 2010- 2011 thì 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bắt tay nhau trong việc hạ điểm chuẩn để chấm thi và năm học vừa rồi là vụ Đồi Ngô, có nhà báo còn nói vui trên blog rằng sợ rồi lại có cả "Rừng Khoai", "Núi Sắn" chứ đâu chỉ riêng Đồi Ngô - Bài toán này cũng hóc búa ra phết ấy chứ !)
Năm là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy và học theo hướng tinh giảm; thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện; tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm các môn học chính; gắn giáo dục, đào tạo với dạy nghề và nhu cầu sử dụng nhân lực của các ngành, các địa phương; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, cơ sở vật chất của ngành giáo dục (Tinh giảm à, mới tiểu học, mang cái cặp sách to tổ bố, kính cận dày cộp, học thêm tối ngày...- bài toán này ...cũng khó giải).
Cuối cùng cần phối hợp với các cơ quan liên quan, cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc mở rộng tổ chức việc giảng dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam định cư ở nước ngoài, để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đóng góp tích cực hơn nữa cho phát triển đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời gian tới.(Bài toán này nên nhờ các GS Toán học đang là Việt kiều giải hộ).
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ trưởng có chương trình, kế hoạch, biện pháp thiết thực để thực hiện những vấn đề đã hứa trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước.
  • Nguyễn Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét